Ngày 15/6 vừa qua, Microsoft thông báo về việc chính thức ngừng hỗ trợ Internet Explorer (IE). Người dùng được khuyến nghị chuyển sang Microsoft Edge - bộ trình duyệt mới sẽ được đồng bộ với trình duyệt huyền thoại. Sau 27 năm tồn tại, IE chỉ còn là quá khứ.
Nhưng 27 năm đó là một quá khứ huy hoàng, đánh dấu giai đoạn bùng nổ của kỷ nguyên internet. Năm 1995, IE được Microsoft cho ra mắt dưới dạng trình duyệt kèm thêm với hệ điều hành Windows 95. Thời kỳ đầu tiên, IE được cài qua ổ đĩa, sau đó Microsoft cho trình duyệt này tích hợp cùng hệ điều hành con cưng của mình. IE trở thành "cửa ngõ" để người dùng tiếp cận với internet.
Tờ New York Times viết về giai đoạn này: "Ngày 16 tháng 8, 1995. Ca khúc "Waterfalls" của TLC đang nổi tiếng khắp đất Mỹ. Bill Clinton là ông chủ Nhà Trắng. Và Microsoft giới thiệu một cách hoàn toàn mới để lướt web: Internet Explorer. Nó chậm. Nó có thật nhiều lỗi. Nhưng nó luôn ở đó, sẵn sàng chờ bạn truy cập".
Thật vậy, không quá khi nói IE đã phổ cập internet trên toàn thế giới. Khi thế kỷ 21 sang trang và nhu cầu sử dụng internet ngày càng tăng cao, IE cũng theo đó trở nên phổ biến. Internet thực tế đã xuất hiện và được phát triển trước đó cả thập kỷ, nhưng IE khiến việc tiếp cận internet dễ dàng hơn, phổ biến hơn.
Khi Internet Explorer 6 được phát hành cùng hệ điều hành Windows XP năm 2003, IE chiếm đến 90% thị phần trình duyệt truy cập web.
Nhưng đây cũng là lúc những vấn đề dần lộ diện. IE6 xuất hiện nhiều lỗ hổng về bảo mật đến mức Cơ quan Ứng cứu Khẩn cấp Máy tính Mỹ (US-CERT) phải ra khuyến cáo đến người dùng không nên sử dụng phiên bản này.
Tuy nhiên, Microsoft không thể dễ dàng khai tử phiên bản này và nâng cấp nó lên. Chính vì IE6 trở nên quá thông dụng, nhiều công ty và tổ chức đã đưa ra nhiều khoản đầu tư lớn để tạo phần mềm tương thích với phiên bản này. Vì vậy, họ từ chối nâng cấp lên phiên bản mới hơn. Microsoft phải hỗ trợ IE6 đến tận năm 2014, khiến phiên bản này tồn tại đến 10 năm.
Cùng với đó, việc internet phổ biến hơn cũng đem đến cho Microsoft những đối thủ cạnh tranh mạnh hơn. Một trong số đó là Firefox. Với những cải tiến thuận tiện hơn cho người dùng cùng tốc độ truy cập web nhanh hơn, Firefox dần trở thành chuẩn mực mới của trình duyệt internet, sau đó đến lượt Opera và Google Chrome xuất hiện.
Người dùng hệ điều hành Mac OS cũng có Safari được tạo nên riêng cho mình. Thị phần của IE, theo khảo sát của tờ Guardian, chỉ còn 28%. Để so sánh, 81% người tham gia cuộc khảo sát đó cho biết mình thích sử dụng Google Chrome hơn.
Dẫu là kẻ tiên phong, IE dần mất đi sức mạnh cùng sức hút. Cái chết của trình duyệt này là điều đã được thông báo trước, khi Microsoft ra mắt trình duyệt Edge. Ông lớn trong ngành công nghệ đã công bố quyết định khai tử IE từ giữa năm ngoái khi người đứng đầu dự án Edge của Microsoft, Sean Lyndersay công bố hãng sẽ ngừng hỗ trợ IE kể từ tháng 6 năm nay. Đến ngày 15, điều đó trở thành hiện thực.
Thế giới, internet, máy tính, điện thoại hay công nghệ đã thay đổi rất nhiều kể từ khi kỷ nguyên internet bùng nổ. Nhưng Brett Babino chỉ nhận ra điều đó khi dòng tin IE chính thức bị khai tử trở nên phổ biến khắp Twitter. Anh nhân viên 27 tuổi của Amazon chợt nhớ đến những buổi chiều dùng IE để làm bài tập về nhà, hay giao lưu với bạn bè trên tựa game vui nhộn Club Penguin.
"Cho dù tôi sẽ không dùng đến nó, nhưng tôi luôn nhớ đến công dụng của IE từ những ngày đầu dùng web", anh Babino chia sẻ với New York Times. "Nó chậm thật đấy, nhưng nó đã giúp tôi thật nhiều điều".
Anh chàng đến từ Texas này không phải là người duy nhất hoài niệm về IE. Các mạng xã hội phổ biến như Twitter hay Facebook tràn đầy những dòng chia sẻ về kỷ niệm của người dùng với IE, hay những lời đùa rằng họ sẽ nhớ sự chậm chạp của trình duyệt này.
"Yên nghỉ nhé, công cụ tải Chrome số một internet", Marques Brownlee, một nhà thiết kế video website đùa vui trên Twitter với ám chỉ rằng IE thường chỉ được sử dụng để tải về trình duyệt Google Chrome.
Còn với Michael Nelson, giáo sư ngành khoa học máy tính tại Đại học Old Dominion, quyết định ngừng hoạt động IE để chuyển sang Edge của Microsoft "đánh dấu sự kết thúc của một kỷ nguyên".
Tuy vậy, ở phía bên kia địa cầu, một cuộc khủng hoảng nho nhỏ đã nổ ra tại Nhật Bản ngay khi IE ngừng hoạt động.
Một ngôi mộ được dựng cho Internet Explorer tại Gyueongju, Hàn Quốc - Ảnh: Ladbible
Theo Nikkei, từ tháng Tư, rất nhiều tập đoàn và công ty lớn đã tìm đến những công ty chuyên về phần mềm máy tính để nhờ hỗ trợ. Khảo sát của Keyman’s Net hồi tháng Ba cho thấy, 49% số công ty tham gia khảo sát vẫn sử dụng IE là trình duyệt chính.
Thậm chí, nhiều cơ quan nhà nước tại Nhật Bản còn yêu cầu sử dụng IE. 20% số người trả lời thậm chí không biết cách chuyển sang sử dụng các phần mềm khác. Các cơ quan nhà nước là những nơi bị động nhất và bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi sự dựa dẫm vào IE cùng khối lượng dữ liệu khổng lồ.
Một nhân viên của công ty phần mềm công nghệ Computer Enginneering & Consulting tại Tokyo cho biết, các công ty này đã biết IE sẽ biến mất từ rất lâu nhưng không có động thái chuẩn bị trước cho sự kiện này. "Cuộc khủng hoảng này sẽ kéo dài vài tháng", nhân viên này nhận định.
Còn giáo sư Tetsutaro Uehara tại Đại học Ritsumeikan thì cho rằng, vấn đề nằm ở vùng an toàn khi người Nhật đã quen với IE gần ba thập kỷ. "Người Nhật thích sự an toàn. Tập đoàn hay cơ quan chính phủ càng lớn thì càng ngại phải chuyển đổi sang những điều mới mẻ. Vấn đề lớn nhất là có quá nhiều dữ liệu ở những cơ quan này. Khi vùng an toàn biến mất, họ không biết phải làm thế nào cả".