Các đơn vị trong ngành y tế tại Hà Nội vừa nhận được công văn của Sở Y tế về việc tăng cường đảm bảo an ninh, trật tự liên quan đến thanh toán tiền.
Theo đó, lợi dụng việc các cơ sở y tế đang đẩy mạnh việc thanh toán không dùng tiền mặt, các đối tượng lừa đảo đã tự tạo mã QR của cá nhân dán đè lên mã QR thanh toán của các bệnh viện để chiếm đoạt tiền của người dân khi sử dụng mã này giao dịch. Thủ đoạn này thường xảy ra tại các quầy thu ngân của những bệnh viện có lưu lượng bệnh nhân lớn.
Do đó, theo Sở Y tế, các đơn vị được yêu cầu phải rà soát tất cả mã QR thanh toán của cơ quan, đơn vị, phát hiện các mã QR có dấu hiệu nghi vấn và trao đổi với cơ quan công an xã, phường để phối hợp xử lý.
Đồng thời, các đơn vị cũng cần yêu cầu bộ phận thu ngân nhắc nhở người dân kiểm tra kỹ các thông tin trước khi chuyển tiền thanh toán.
Đặc biệt, các đơn vị tăng cường thêm lực lượng bảo vệ, tuần tra, kiểm soát bảo đảm an ninh trật tự tại bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh và khu vực xung quanh; phòng ngừa, phát hiện các loại tội phạm (trộm cắp, móc túi, lừa đảo…), đối tượng "cò mồi" trong khu vực, nhất là khu vực xung quanh lớn, đông bệnh nhân...
Tương tự, đầu tháng 10, Bệnh viện Nhi Trung ương cũng phát đi cảnh báo một số đối tượng xấu đã thực hiện dán mã QR giả mạo tại mặt ngoài một số quầy thanh toán viện phí của viện để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Cụ thể, một số quầy thanh toán viện phí của bệnh viện bị các đối tượng lừa đảo dán mã QR thanh toán giả mạo. Bệnh viện đã nhanh chóng phát hiện và gỡ bỏ các mã QR lừa đảo này; đồng thời phổ biến và hướng dẫn gia đình người bệnh thực hiện đúng các quy định về thanh toán viện phí, phối hợp và báo cáo cơ quan chức năng để giải quyết và xử lý kịp thời.
Hiện nay, quét mã QR để thanh toán rất phổ biến tại Việt Nam. Thay vì nhập tên ngân hàng, số tài khoản, xác minh tên người thụ hưởng, người dùng chỉ cần quét mã QR là thông tin tự động được điền, giúp cho việc thanh toán nhanh chóng, thuận tiện.
Trong ngành Y tế, những hình thức thanh toán không dùng tiền mặt được đẩy mạnh triển khai từ 5 năm trước. Lãnh đạo Bộ Y tế đánh giá điều này mang lại nhiều lợi ích cho cả người bệnh lẫn bệnh viện, nhằm giảm phiền hà, tăng sự hài lòng của người bệnh, góp phần xây dựng hình ảnh bệnh viện hiện đại, chuyên nghiệp.
Nhiều cơ sở y tế triển khai cùng lúc các giải pháp thanh toán viện phí không dùng tiền mặt bằng các loại thẻ; thanh toán qua ví điện tử; sử dụng mã QR động hoặc tĩnh; thanh toán qua thẻ khám bệnh thông minh của bệnh viện.
Thông tin về vấn đề này, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biêt, tình trạng lừa đảo bằng mã QR được ghi nhận tăng mạnh trên thế giới, thậm chí xuất hiện cả ở Việt Nam trong thời gian qua.
Theo Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước, mã QR có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ cả về số lượng và giá trị. Trong năm 2022, thanh toán qua mã QR tăng tới 225,36% về số lượng và 243,92% về giá trị so với năm 2021. Điều này cho thấy, phương thức thanh toán sử dụng mã QR đang ngày càng quen thuộc với người tiêu dùng.
Tuy nhiên, Bộ Thông tin và Truyền thông nêu, bên cạnh tình trạng mã QR thanh toán tại các cửa hàng, bệnh viện bị dán đè khiến tiền chuyển về tài khoản kẻ gian, trong thời gian vừa qua, hiện tượng mã QR độc hại bị phát tán dễ dàng trong các bài viết, hình ảnh thông qua các ứng dụng nhắn tin, diễn đàn, hội nhóm trên mạng xã hội, đặc biệt là trong các màn phát sóng trực tiếp (livestream) cũng được báo chí phản ánh trong thời gian gần đây.
Tại Việt Nam đầu tháng 8/2023, một số ngân hàng cũng đã phát cảnh báo tình trạng lừa đảo thẻ tín dụng thông qua mã QR. Cảnh báo cho biết kẻ gian sau khi kết bạn qua mạng xã hội để trao đổi với nạn nhân sẽ gửi mã QR để người dùng quét. Mã này dẫn tới các website giả mạo ngân hàng, trong đó yêu cầu người dùng nhập thông tin họ tên, số căn cước công dân, tài khoản, mã bí mật hoặc OTP. Từ đó, người dùng bị chiếm tài khoản.
Theo Cafef.vn