Tập đoàn công nghệ Vico

Facebook sẽ gánh hậu quả nặng nề sau vụ “trả đũa” truyền thông Australia

20/02/2021
(5/5) - 126 bình chọn.
Sau dự luật đầu tiên về tin tức trên nền tảng Internet của Australia, gã khổng lồ MXH đã phong tỏa các phương tiện truyền thông.

Với động thái “tự bảo vệ”, Facebook đã đột ngột phong tỏa truyền thông Australia để đối phó với những rắc rối tiềm ẩn do dự luật có mục tiêu này gây ra. Tuy nhiên, hành động của Facebook đã thu hút thêm nhiều cáo buộc từ dư luận về độc quyền Internet.

Facebook sẽ gánh hậu quả nặng nề sau vụ “trả đũa” truyền thông Australia

Ảnh minh họa

Vào ngày 18/2, Thủ tướng Úc Scott Morrison, Bộ trưởng Tài chính Josh Fredenberg và các phương tiện truyền thông chính thống đều đồng loạt đưa ra phát ngôn lên án hành vi “lạm quyền” của Facebook , đồng thời khẳng định quy trình lập pháp sẽ không bị tác động.

Cũng trong cùng ngày 18/2, Google và News Corp của ông trùm tin tức Rupert Murdoch đã đạt được thỏa thuận phân phối tin tức có thời hạn 3 năm. Các bên tham gia giao dịch không tiết lộ số tiền cụ thể trong hợp đồng, nhưng đây là con số “đáng kể” theo cách gọi của News Corp.

Pháp luật bảo vệ các phương tiện thông tin truyền thống

Tối 17/2 theo giờ địa phương, Hạ viện Australia đã thông qua “Bộ luật thương lượng bắt buộc về nền tảng kỹ thuật số và truyền thông tin tức”. Theo báo chí Australia, dự luật sẽ được Thượng viện biểu quyết vào tuần tới và có hiệu lực ngay sau đó.

Dự luật này do Bộ Tài chính Australia khởi xướng, nhằm mục đích phân phối lại lợi nhuận trong nền kinh tế Internet, buộc các công ty nền tảng như Facebook và Google đóng vai trò trung gian phân phối tin tức phải trả tiền cho các tổ chức tin tức.

Bộ trưởng Tài chính Australia Josh Fredenberg từng tuyên bố, dự luật “sẽ đảm bảo rằng các phương tiện truyền thông báo chí nhận được thù lao kinh tế công bằng cho nội dung mà họ sản xuất, qua đó bảo vệ báo chí của Australia trong việc phục vụ lợi ích công chúng”. Đây cũng là dự luật liên quan đầu tiên trên thế giới.

Facebook sẽ gánh hậu quả nặng nề sau vụ “trả đũa” truyền thông Australia

Ảnh minh họa

Facebook ngay lập tức tung ra hành động “trả đũa” sau khi biết kết quả cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện Australia. Các trang chính thức của tất cả các phương tiện truyền thông địa phương và quốc tế hoạt động tại quốc gia này trên nền tảng Facebook đã bị cấm từ đêm ngày 17/2. Người dùng ở Australia không thể chia sẻ hoặc duyệt bất kỳ nội dung tin tức nào.

Ngày 18/2, nhiều quan chức Australia, trong đó có Thủ tướng Morrison, đã lên án Facebook. Ông Morrison nói: "Facebook đã ‘hủy kết bạn’ với Australia". Ông cũng nhận định: “Những hành động này đã chứng minh sự lo lắng của nhiều quốc gia. Những gã khổng lồ công nghệ cho rằng họ lớn hơn chính phủ". Thủ tướng Australia khẳng định động thái của Facebook sẽ không ngăn cản chính phủ lập pháp nội dung kỹ thuật số.

Cùng ngày, Bộ trưởng Tài chính Australia tiết lộ thông tin về cuộc gặp với Mark Zuckerberg vào cuối tuần trước để thảo luận nội dung của các quy định mới, giám đốc điều hành Facebook đã không đưa ra bất kỳ cảnh báo nào liên quan đến việc tắt tin tức. Lên án “hành vi của Facebook là không cần thiết”, Bộ trưởng Bộ Truyền thông Australia, Paul Fletcher, cho rằng gã khổng lồ MXH nên “cân nhắc rất kỹ điều này có ý nghĩa như thế nào đối với danh tiếng và địa vị hiện có”.

Bởi ảnh hưởng từ lệnh cấm của Facebook, các tài khoản thuộc chính phủ Australia không phải là phương tiện truyền thông cũng bị phong tỏa, bao gồm Cục Thời tiết, Bộ Y tế và Hội đồng Thành phố. Ngay sau đó, các trang Facebook của nhiều cơ quan chính phủ đã được khôi phục nhưng tất cả các trang truyền thông địa phương vẫn “chìm trong bóng tối”, kể cả truyền thông quốc tế.

Lợi nhuận bị đe dọa, Facebook lao vào “tự bảo vệ”

Trong làn sóng chống độc quyền trên Internet toàn cầu, có thể nói Facebook là người gánh chịu phần lớn. Công ty sẽ nhận được 84,2 tỷ USD doanh thu quảng cáo vào năm 2020, từ các thị trường được phân bổ ở nhiều quốc gia trên thế giới. Ngoài Australia, các cơ quan chính phủ như Liên minh châu Âu cũng đang xem xét điều tiết lợi nhuận của các công ty Internet từ thị trường địa phương.

Kể từ năm 2021, hoạt động của Facebook trên Nasdaq đang kém hơn thị trường thực tế. Tính đến ngày 17/2, chỉ số Nasdaq đã tăng 8,4%, trong khi giá cổ phiếu của Facebook liên tục biến động và giao dịch đi ngang theo hình chữ W. Xu hướng tăng bị ngăn cản bởi những tin tức tiêu cực hết lần này đến lần khác, với mức tăng tích lũy chỉ 0,15%.

Facebook sẽ gánh hậu quả nặng nề sau vụ “trả đũa” truyền thông Australia

Ảnh minh họa

Mặc dù dự luật của Australia ban đầu gây ra mối đe dọa đối với Facebook và Google, nhưng Google đã có nhiều động thái tích cực để đạt được thỏa thuận chia sẻ lợi nhuận với giới truyền thông tin tức. William Easton, người đứng đầu các hoạt động của Facebook tại Australia và New Zealand, cho rằng 2 công ty có quan hệ khác nhau với giới truyền thông.

Trên thực tế, Facebook đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ và khó có thể tự bảo vệ mình. Sau vụ bê bối này, Facebook có thể sẽ tiếp tục phải gánh chịu thêm nhiều hậu quả vượt ngoài tầm kiểm soát trong thời gian tới.


Bài viết liên quan
0918585505
Thời gian tiếp nhận:
9:00~18:00 từ Thứ Hai đến Thứ Sáu