Trong đó, 92,5% các video bị loại bỏ chủ động bằng công nghệ rà quét; 88,7% số video bị xóa trước khi có lượt xem. Trong 24 tiếng đồng hồ sau khi đăng tải, 94% video vi phạm bị xóa khỏi mạng xã hội.
Nguyên nhân khiến các video bị xóa là do vi phạm các chính sách về “tiêu chuẩn cộng đồng” của TikTok. Đây là những video có nội dung chứa đựng tư tưởng thù địch, chủ nghĩa cực đoan bạo lực, hình ảnh khỏa thân và hoạt động tình dục, các hoạt động bất hợp pháp, nội dung bạo lực, ghê rợn, hành vi quấy rối, bắt nạt, tự tử...
Các nội dung vi phạm chính sách về sự an toàn của trẻ vị thành niên, video chứa hình ảnh khỏa thân, hoạt động tình dục liên quan đến trẻ vị thành niên chiếm tỷ lệ lớn nhất trong các video bị xóa. Tiếp đến là các video về hành vi có hại của trẻ vị thành niên, video có nội dung gây tổn hại về thể chất và tâm lý của trẻ…
Hiện nay, TikTok, Facebook, Instagram… là những nền tảng nội dung hấp dẫn người dùng ở nhiều độ tuổi. Đây cũng là sân chơi “mầu mỡ”, các nhà sản xuất nội dung kiếm được nhiều tiền thông qua sản xuất, đăng tải các bài viết, ảnh, video…
Do vậy, các nền tảng nội dung số đang tiến hành thắt chặt hơn tiêu chuẩn cộng đồng và tích hợp thêm các bộ công cụ công nghệ để lọc, kiểm soát nội dung mà người dùng đăng tải. Với TikTok, nền tảng này đang tập trung vào việc thiết kế các thuật toán nhằm phát hiện và thực thi tiêu chuẩn cộng đồng trên quy mô lớn.
TikTok sẽ tạo đoạn mã nhận dạng kỹ thuật số riêng biệt nhằm xác định hình ảnh và video vi phạm. Phản hồi của đội ngũ kiểm duyệt cũng giúp hoàn thiện độ chính xác của quy trình kiểm duyệt nội dung. Bên cạnh việc chủ động gỡ bỏ các nội dung vi phạm, TikTok đang thử nghiệm tính năng nhắc nhở để các nhà sáng tạo nội dung sử dụng công cụ lọc bình luận, chặn nhóm tài khoản và các tùy chọn xóa một cách hiệu quả.
Về việc xử lý thông tin vi phạm được đăng tải trên internet, Bộ Thông tin và Truyền thông đã giao các đơn vị chức năng thuộc Bộ tăng cường theo dõi giám sát, phát hiện, cảnh báo sớm các thông tin xấu, độc, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của các tổ chức, cá nhân trên mạng, đặc biệt là trên các nền tảng mạng xã hội, đồng thời tiến hành chủ động xử lý, ngăn chặn gỡ bỏ và đấu tranh yêu cầu gỡ bỏ đối với các nền tảng xuyên biên giới.
Năm 2021, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý, ngăn chặn khoảng 2.000 trang web, hình ảnh, bài viết có chứa các thông tin xấu, độc, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của các tổ chức, cá nhân, sử dụng ngôn ngữ phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục trên mạng xã hội, gây tác động xấu tới dư luận xã hội, đặc biệt là giới trẻ.
Bộ Thông tin và Truyền thông đã triển khai nhiều giải pháp buộc các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới (Facebook, Google, Apple…) tuân thủ pháp luật Việt Nam, kiểm soát, hạn chế, ngăn chặn, gỡ bỏ kịp thời thông tin giả, xấu, độc hại, phản cảm trên mạng xã hội; thông tin lừa đảo, đánh bạc, quảng cáo không đúng sự thật, thông tin gây mất an ninh, trật tự, an toàn xã hội, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân; thông tin độc hại đối với trẻ em.
Ngoài ra, Bộ Thông tin và Truyền thông sử dụng các biện pháp kỹ thuật để ngăn chặn nguồn phát tán thông tin vi phạm, xử lý các nguồn phát tán thông tin sai lệch, xuyên tạc, phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục Việt Nam, kêu gọi kích động biểu tình, chống phá nhà nước.
Các cơ quan báo chí tuyên truyền, phổ biến Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội cho các nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam, hướng tới xây dựng môi trường mạng lành mạnh, an toàn; từ đó nâng cao nhận thức, hành vi ứng xử trên mạng xã hội của người dân, giúp họ nhận biết, cảnh giác với các thông tin giả mạo, sai sự thật.