Từ ngày 01/8, Zalo có loạt thay đổi về quy định sử dụng, giới hạn nhiều tính năng, ảnh hưởng lớn tới người dùng. Đại diện VNG - công ty chủ quản của Zalo nhấn mạnh các thay đổi này có lộ trình từ trước với mục đích nâng cao tính bảo mật và sự riêng tư cho khách hàng.
Cụ thể, mỗi tài khoản chỉ được phản hồi 40 hội thoại mỗi tháng từ người lạ, danh bạ tối đa chứa 1.000 liên hệ, tài khoản thường không được sử dụng username, mỗi tài khoản chỉ có 5 tin nhắn nhanh, nếu muốn thêm mới phải xóa bớt tin nhắn nhanh cũ.
Ngoài ra, thay đổi khác của Zalo từ ngày 01/8 là người lạ không thể xem hoặc bình luận trên nhật ký người dùng, tài khoản Zalo sẽ có 40 lần hiển thị mỗi tháng khi người lạ tìm kiếm qua số điện thoại.
Như vậy, các tính năng phổ biến của Zalo sẽ bị giới hạn khá nhiều với người dùng. Chắc chắn, quy định mới gây không ít khó khăn, tạo nhiều bất tiện trong quá trình sử dụng so với trước đây.
Trước đó, Zalo vừa triển khai gói dịch vụ trả phí cho các tài khoản doanh nghiệp (official account). Có 3 mức phí cho các tài khoản muốn trải nghiệm những tính năng hỗ trợ doanh nghiệp, bao gồm gói dùng thử (10.000 đồng), nâng cao (59.000 đồng), Premium (399.000 đồng). Các tính năng hỗ trợ công việc kinh doanh bao gồm nhận diện thương hiệu, chatbot, tích hợp API, lượt tương tác nâng cao...
Nhiều ý kiến cho rằng, Zalo có thể triển khai các gói cước thu phí cho người dùng cá nhân, tương tự với doanh nghiệp.
Đây có thể là cách làm "theo chân" Telegram của VNG khi mới đây, ứng dụng có nguồn gốc từ Nga cũng thông báo kế hoạch thu phí qua gói Premium, trả tiền để sử dụng thêm tính năng như nhãn dán riêng, huy hiệu xác minh...
Zalo ứng dụng nhiều người dùng hàng đầu Việt Nam, ước tính khoảng 70 triệu tài khoản. App của VNG đang cạnh tranh sòng phẳng với các đối thủ nước ngoài ở thị trường nội địa.
Trong năm 2021, 620 tỷ tin nhắn và có 52 tỷ phút gọi video được thực hiện qua Zalo. Những con số cho thấy người dùng phụ thuộc lớn vào ứng dụng này.
Người Việt liên lạc với bạn bè, gia đình, đối tác qua Zalo. Các hội nhóm trao đổi thông tin, duy trì quan hệ, kết nối làm ăn cũng được lập trên Zalo. Ứng dụng cũng là phương tiện để gửi ảnh, video, tài liệu hữu ích với người dùng.
Khi cộng đồng lớn đều sử dụng, việc gỡ app, nói không với Zalo của người dùng để phản đối chính sách thu phí của hãng chắc chắn là quyết định không dễ dàng.
Giới chuyên môn cho rằng VNG đang "nghe ngóng" phản ứng của người dùng với thông tin Zalo có thể thu phí để tính toán cho những bước đi tiếp theo thời gian tới. Từ đó, công ty có thể điều chỉnh lại những quy định, thời gian áp dụng để người dùng dần chấp nhận việc thu phí, không gây ra làn sóng phản đối quá dữ dội. Nếu thành công, VNG có thể kiếm về doanh thu, tái đầu tư cho Zalo cũng như tạo ra lợi nhuận.
Tuy vậy, thu phí người dùng vốn quen với việc sử dụng miễn phí là vấn đề rất nhạy cảm. Zalo có thể đối diện cuộc khủng hoảng nếu làm "mất lòng" các khách hàng. Trong quá khứ, Zalo từng gặp không ít sự cố lớn như mất dữ liệu người dùng quy mô lớn hay dừng hoạt động trong thời gian dài. Khi thu tiền của người dùng, những phốt của Zalo chắc chắn không dễ được "tha thứ" như trước.
Theo Cafef.vn